image banner
ĐIỂM MỚI TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI

Hiện nay xã hội phát triển, điều kiện sống của con người được nâng lên, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều hoàn cảnh gặp khó khăn, như: trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em bị khuyết tật… Chính sách an sinh xã hội nói chung và bảo trợ xã hội nói riêng đã được người yếu thế đón nhận như một sự đảm bảo cho cuộc sống trên cơ sở tương trợ cộng đồng, chia sẻ rủi ro, đây là hoạt động mang đậm tính nhân đạo, có ý  nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngày 15/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP với nhiều điểm mới trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) đối với đối tượng như: chính sách TGXH thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; TGXH khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được coi là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng hàng đầu để các cơ quan có thẩm quyền triển khai áp dụng các chính sách về TGXH trên thực tiễn, tính từ thời điểm 01/07/2021.

Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng có nhiều đổi mới thông qua tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội: Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định này chính là: tăng mức chuẩn TGXH đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn TGXH áp dụng từ ngày 01/07/2021 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng (gần 30%) so với mức 270.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Mức chuẩn kinh phí TGXH luôn được xếp vị trí quan trọng hàng đầu, được xem là “then chốt” trong nhóm chính sách về bảo trợ xã hội. Vì mức chuẩn này dùng để làm “căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng và các mức TGXH khác” cho những đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Việc tăng mức chuẩn TGXH giúp tăng mức trợ cấp bằng tiền mặt hàng tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP, góp phần thiết thực hỗ trợ và giảm những khó khăn, rủi ro trong đời sống của đối tượng yếu thế. Đặc biệt, ở những gia đình có người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng), mang lại cả giá trị vật chất và tinh thần đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Tăng cách tính hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng và kinh phí hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sống tại hộ gia đình, hỗ trợ kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng: Đối với trường hợp người đơn thân thuộc hộ nghèo đang nuôi con (khoản 4, Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP): Từ ngày 01/07/2021, người đơn thân nghèo đang nuôi con được hưởng hệ số 1,0 đối với mỗi một con đang nuôi. Đây là điểm mới so với quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (tại điểm h, khoản 1, Điều 6). Theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thì người đơn thân thuộc hộ nghèo, trong diện được trợ cấp được hưởng hệ số 2,0 khi đang nuôi từ hai con trở lênTức là, dù người đơn thân nghèo đang nuôi ba, bốn con thì  mỗi tháng cũng chỉ nhận được mức trợ cấp xã hội (TCXH) tối đa theo hệ số 02. Theo quy định mới của Nghị định số 20/2021/NĐ- CP thì hệ số được hưởng TCXH hàng tháng của người đó (hệ số 01) tương ứng mỗi con đang nuôi. Đây là điểm mới góp phần hỗ trợ đối với những trường hợp người đơn thân nghèo là người khuyết tật; Cũng tương ứng điểm quy định trên hệ số hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng (ĐBN) được tính trên mỗi một người khuyết tật ĐBN (hệ số 01) thay vì quy định áp dụng chung một hệ số duy nhất (hệ số 01) như quy định tại Nghị định số  28/2012/NĐ-CP (khoản 3, Điều 17). Điều đó đảm bảo quyền lợi đối với những gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng người thân là hai người khuyết tật ĐBN trở lên, vốn là những trường hợp không hiếm trên thực tế. Tương tự, quy định cách tính hệ số hỗ trợ kinh phí chăm sóc (hệ số 1,5) đối với mỗi người khuyết tật ĐBN dành cho hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng cũng khắc phục được những bất hợp lý của quy định “khung trần” hệ số 03 đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật ĐBN trở lên như quy định tại NĐ 28/2012/NĐ-CP (điểm b, khoản 4, Điều 17).

Điểm mới về thời điểm được hưởng/điều chỉnh TCXH hàng tháng theo hướng tăng cường việc đảm bảo lợi ích hợp pháp cho đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt là đối với người khuyết tật: Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã thay đổi cơ bản quy định về mốc thời gian được hưởng/điều chỉnh TCXH hàng tháng của đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi hợp pháp cho những đối tượng. Riêng đối với người khuyết tật (nặng, đặc biệt nặng), nội dung Nghị định ghi rõ: Thời gian được hưởng TCXH hàng tháng đối với người khuyết tật (nặng, ĐNN) được tính từ tháng người đó được nhận Giấy xác định mức độ khuyết tật; thời gian điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hàng tháng kể từ tháng đối tượng đủ điều kiện điều chỉnh (khoản 1, Điều 8, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP). Như vậy, nếu trên thực tế thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để ra quyết định thực hiện/điều chỉnh... TCXH có bị kéo dài hơn so với quy định của pháp luật từ phía cơ quan có thẩm quyền (vì bất kỳ lý do nào), thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách, nếu vận dụng đúng quy định nêu trên của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Tăng mức trợ cấp đối tượng khẩn cấp tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP: Đó là sự đa dạng hóa hình thức hỗ trợ khẩn cấp: Bên cạnh hình thức hỗ trợ lương thực, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định bổ sung hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu: Theo đó, các đối tượng này được được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP); Tăng mức hỗ trợ đối với hỗ trợ kinh phí làm nhà, sửa chữa nhà, hỗ trợ chi phí mai táng do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, vv…Cụ thể: Mức hỗ trợ kinh phí làm nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở (40 triệu đồng/hộ) được tăng gấp đôi. Mức kinh phí tối thiểu hỗ trợ hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác (30 triệu) cũng tăng gấp rưỡi. Mức hỗ trợ sữa chữa nhà đối với hộ nghèo hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì lý do thiên tai, hỏa hoạn... là 20 triệu, cũng tăng 25%. Chính sách nói trên đặc biệt có ý nghĩa trong hỗ trợ người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật, vì họ chính là một trong những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong những tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn...

anh tin bai

 

Đối thoại chính sách Bảo trợ xã hội tại xã Văn Bán, huyện huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ

Ngoài ra, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ chi phí mai táng đối với hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tai nạn giao thông... hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn TGXH (khoản 1 Điều 14 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cao gấp 2,5 lần so với quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Thủ tục hành chính quy định thời gian giải quyết đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cũng đã đơn giản hóa các thủ tục thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng TCXH hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng so với Nghị định số 140/2018/NĐ-CP bằng việc bỏ mô hình “Hội đồng xét duyệt TGXH”, Việc đơn giản hóa quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ TGXH nhằm tăng cường trách nhiệm của cá nhân công chức có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian giải quyết, xử lý công việc của UBND cấp xã. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết các thủ tục TGXH cũng rút ngắn: Nếu thời gian do Hội đồng xét duyệt TGXH xét duyệt hồ sơ là 10 ngày làm việc, cộng với thời gian niêm yết công khai, thời gian Chủ tịch UBND cấp xã gửi văn bản đề nghị lên Phòng LĐTBXH, tổng cộng là 18 ngày làm việc thì cùng thủ tục này, Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định tổng cộng thời gian giải quyết chỉ còn 12 ngày (nếu có khiếu nại thì cộng thêm 10 ngày giải quyết), giảm được 06 ngày làm việc. Những cải cách thủ tục hành chính như vậy thực sự là điểm tích cực trong quy định mới, có ý nghĩa quan trọng với đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội, đặc biệt với đối tượng là người yếu thế./.

Vi Thị Kiều Ly - P.BTXH-TE-BĐG

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang