image banner
TỈNH PHÚ THỌ TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Hoàng Công Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

 Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, với ba đối tượng và hai chính sách đầu tiên, đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng lên 12 đối tượng, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng.

Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã trải qua 07 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Gần đây nhất, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020, gồm 07 chương và 58 điều; trong đó, bổ sung 02 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”; bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian trước. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân, như: người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

anh tin bai

Đ/c Hoàng Công Thắng – Phó giám đốc Sở Lao động – TB&XH cùng đại diện Quỹ Thiện Tâm, tập đoàn Vingroup trao quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng dịp 27/7/2022

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công được nghiên cứu xây dựng chặt chẽ, khoa học, ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có trên 256 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có 1.251 Bà mẹ Việt Nam anh hùng;  121 cán bộ lão thành cách mạng; 462 cán bộ tiền khởi nghĩa;  hơn 11.300 thương bệnh binh, hơn 18.300 liệt sĩ; 7.346 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 346 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 22 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; hơn 165.800 người tham gia hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao và tặng thưởng Huân, Huy chương các loại… 

 Cùng với công tác xác nhận, việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được thực hiện kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 23 nghìn người với kinh phí trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Việc thực hiện chi trả trợ cấp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch. Các chương trình chăm sóc người có công được thực hiện kịp thời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, có 99,98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 100% Bà Mẹ VNAH còn sống được được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.  Vận động xây dựng Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm đạt gần 4 tỷ đồng. Các chương trình “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Việc tổ chức thăm hỏi tặng quà người có công nhân dịp ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, tết nguyên đán hàng năm, công tác mộ- nghĩa trang liệt sĩ được các ngành, địa phương quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị  thực hiện tốt  chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho người có công và thân nhân có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh, nhất là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ; tổ chức chu đáo việc đón nhận hài cốt liệt sỹ đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc và liệt sỹ làm nhiệm vụ quốc tế về an táng tại quê hương. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan hữu quan trong việc xác nhận liệt sỹ, thương binh còn tồn đọng qua các thời kỳ, chính sách đối với Thanh niên xung phong, chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hoá học.

 Có thể khẳng định, việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cho thấy, vẫn còn một số người có công chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước hoặc chưa được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi. Tình trạng trục lợi chính sách người có công vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc trong nhân dân và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước; một bộ phận người có công còn có mức sống thấp hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Để chính sách ưu đãi người có công được triển khai thực hiện tốt hơn nữa trên địa bản tỉnh góp phần thực hiện tốt công tác tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một làtập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát hiện, lập hồ sơ, giải quyết hồ sơ người có công trong chiến tranh. Tập trung thực hiện việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Thực hiện tốt việc chăm sóc, tu bổ và nâng cấp các nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Bốn là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và những thành quả của công tác người có công trong 76 năm qua.

Năm là, tiếp tục tổng hợp các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Kỷ niệm trọng thể 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội xác định đây vừa là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đồng thời cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam, để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng./.

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang