image banner
Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công

        Phạm Thị Thu Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 

Tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về quan tâm tới thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công là cơ sở, là định hướng quan trọng cho công tác chăm lo đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Người đã ra "Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi" với lời lẽ mộc mạc, giản dị mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi".

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. 

 Quán triệt tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công không chỉ là đạo lý truyền thống của dân tộc, mà trở thành một hệ thống chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, góp phần to lớn vào sự ổn định và phát triển xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng”. Trong các kỳ đại hội tiếp theo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương đó và bổ sung, hoàn thiện, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chăm lo đời sống cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”.

 Trong hành trình 76 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Năm 2017, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 4113/KH-UBND ngày 18/9/2017 tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Trong đó, tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đối với công tác người có công với cách mạng, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng  trên địa bàn tỉnh;  Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác người có công với cách mạng, đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn tại đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để sót; Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công người có công trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh xã hội hoá công tác chăm sóc thương binh,  bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ vượt khó khăn làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Đồng thời xây dựng các giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong tổ chức triển khai thực hiện.

 Với chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp truyền thống dân tộc và sự mong mỏi của toàn dân, chế độ, chính sách đối với người có công từng bước được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên hằng năm. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh đã xác nhận được trên 256 nghìn người có công, trong đó, số người có công và  thân nhân người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 23 nghìn người;  Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ đã được xây dựng, tu bổ. 

 Bên cạnh đó, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công  và gia đình người có công với cách mạng… Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa; góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.

 Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh phục vụ công tác nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Đồng chí Bùi Văn Quang – UV BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Phạm Thị Thu Hương, Tỉnh ủy viên, Bí Thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà Thương binh Nguyễn Đức Trị huyện Phù Ninh

Cùng với đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hiện nay, toàn tỉnh có 224 nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ (gồm 1 đền thờ liệt sĩ, 18 đài tưởng niệm liệt sĩ, 69 nhà bia ghi tên liệt sỹ và 136 nghĩa trang liệt sĩ).  Hằng năm, Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ cũng như giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ con cháu.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội xác định tiếp tục tập trung tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm chủ yếu sau: 

Tập trung tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và các chế độ chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công. Đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện và duy trì được mục tiêu: các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu", làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia các hoạt động ích lợi cho xã hội" như Bác Hồ của chúng ta đã căn dặn.

 Cấp uỷ Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tiếp tục làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng phần mộ liệt sĩ.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công như: Số hóa hồ sơ người có công, đẩy mạnh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng và nâng cấp các phần mềm về hồ sơ người có công, thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng thông qua tài khoản cá nhân… nhằm giảm thời gian, giảm thủ tục để người có công dễ tiếp cận sử dụng đồng thời giúp cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước được chặt chẽ và khoa học hơn.

Chăm lo tốt hơn nữa đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là việc làm hiệu quả, thiết thực nhằm thực hiện Kết luận 01/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"./.

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang