image banner
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG NGHĨA TÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM

Hoàng Công Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Sở

Có thể khẳng định người có công với cách mạng được toàn xã hội quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; được trân trọng, tôn vinh, biết ơn, đền ơn đáp nghĩa…. Ưu đãi xã hội đối với người có công là tình cảm và trách nhiệm của Nhà nước và của toàn xã hội, là yếu tố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới với tiến trình hội nhập và phát triển.

Vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, cùng với cả nước hàng vạn người con ưu tú của Phú Thọ, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, nhiều người đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng nghìn thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói: “…chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.

Còn nhớ tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban bố Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Trong Hiến pháp năm 1992 cũng ghi: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên xem xét, bổ sung chính sách ưu đãi đối với người có công với nước, ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn và nhất quán của Đảngvà Nhà nước ta nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, bù đắp phần nào những hy sinh mất mát của anh chị em thương binh bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng. Từ chính sách này Phú Thọ đã và đang chăm lo cho trên 250 nghìn đối tượng người có công là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí thương binh, bệnh binh,thân nhân liệt sĩ và hàng nghìn người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến, Bằng khen kháng chiến và các danh hiệu cao quý khác.

Cùng với công tác xác nhận, việc giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được thực hiện kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 23 ngàn người với kinh phí trên 500 tỷ đồng mỗi năm. Việc thực hiện chi trả trợ cấp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch.

Các chương trình chăm sóc người có công được thực hiện kịp thời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. 100% Bà Mẹ VNAH còn sống được được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Toàn tỉnh cũng đã triển khai việc hỗ trợ 8.428 nhà ở cho người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện hơn 245 tỷ đồng. Vận động xây dựng Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm đạt gần 4 tỷ đồng. Thăm hỏi tặng quà người có công nhân dịp ngày lễ, tết nguyên đán hàng năm với tổng số tiền trên 159 tỷ đồng. Công tác mộ - nghĩa trang liệt sĩ được các ngành, địa phương quan tâm đặc biệt.

anh tin bai

 

Tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; công tác thanh, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư lĩnh vực người có công được tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, khắc phục những hạn chế thiếu sót, góp phần giải quyết tốt các chính sách đối với người có công.

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Mức trợ cấp của một số đối tượng người có công vẫn còn thấp, một số văn bản quy phạm pháp luật về chính sách Người có công chưa sát thực tế dẫn đến việc xác nhận, công nhận người có công và giải quyết chính sách ưu đãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn nhiều ngôi mộ của liệt sĩ chưa biết tên và vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, đang là những nỗi băn khoăn, trăn trở của thân nhân người có công, cấp uỷ, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân.

Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công trong thời gia tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và các chế độ chính sách ưu đãi khác về kinh tế - xã hội đối với người có công. Đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện và duy trì được mục tiêu: các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; đồng thời, khẩn trương rà soát, xác minh, giải quyết cơ bản các hồ sơ còn tồn đọng để giải quyết chế độ, chính sách cho những người có công với nước trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục phát động sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia các hoạt động ích lợi cho xã hội” như Bác Hồ của chúng ta đã căn dặn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Cấp uỷ Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tiếp tục làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng phần mộ liệt sỹ.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tháng bảy về, kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sỹ năm nay (27/7/1947-27/7/2021) cũng là lúc cả nước đang dốc sức, chung tay phòng chống dịch Covid - 19, từng đoàn xe đưa các y bác sỹ vào hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh cùng hàng triệu người dân đóng góp của cải, vật chất, tinh thần hỗ trợ cho các địa phương chống dịch làm chúng ta liên tưởng tới những năm tháng chiến tranh ác liệt, hàng vạn người con xung phong lên đường chi viện cho Miền Nam thân yêu. Hôm qua và hôm nay, quá khứ và hiện tại, những người con đất Việt vẫn cùng chung một ý chí, một quyết tâm cùng nhau viết lên khúc khải hoàn, khúc ca độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam./.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang