image banner
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh. Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, GDNN cần tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị; sự nỗ lực, cố gắng của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ sở GDNN, công tác GDNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

anh tin bai

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Phú Thọ

Chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN được xây dựng, chuyển đổi theo Luật GDNN, cơ cấu lại chương trình hợp lý từ chương trình khung sang khung trình độ quốc gia. Phương pháp dạy và học từng bước được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, độc lập, tăng thời gian tự rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm của học sinh, sinh viên; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã từng bước tham gia trong công tác kiểm tra, thi đánh giá cũng như xây dựng ngân hàng đề thi và tham gia hội đồng thi; Các cơ sở GDNN đã chủ động xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến và báo cáo hệ thống đảm bảo chất lượng, tự đánh giá chất lượng GDNN. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có bước chuyển biến tích cực, đào tạo từng bước chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động; tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đạt 85,3%, trong đó số có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo đạt 76,9%; mức thu nhập của người lao động sau đào tạo tăng, cao hơn mức bình quân chung. Công tác GDNN đã đóng góp tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 70% (trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 28%) cao hơn mức bình quân chung cả nước.

Bên cạnh những điểm sáng rõ nét, công tác GDNN vẫn còn những khó khăn, thách thức cần vượt qua như:

Một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề. Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa được sắp xếp đồng bộ giữa các cơ sở GDNN thuộc tỉnh và các cơ sở GDNN thuộc Bộ, ngành, trung ương. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhưng khả năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp còn thấp. Cơ cấu ngành nghề tuyển sinh, đào tạo chưa thực sự gắn với dự báo về thị trường lao động, định hướng thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; kết quả quả tuyển sinh, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ thấp và vẫn chủ yếu tập trung vào khối ngành nghề y, dược, kinh tế,... tỷ lệ tuyển sinh, đào tạo khối ngành công nghiệp (kỹ thuật, công nghệ, chế tạo) và công nghệ chế biến chiếm tỷ lệ thấp; Chưa xây dựng và ban hành được định mức kinh tế - kỹ thuật và thực hiện lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ đào tạo để làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng nhằm tăng cường tính tự chủ, cạnh tranh trong đào tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả sử dụng ngân sách. Mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa chặt chẽ; học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học…), ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp,.., kỹ năng khởi nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nơi còn chưa thực sự hiệu quả; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp làm việc không đúng ngành nghề, công việc và thu nhập chưa ổn định còn cao, đặc biệt đối với các ngành nghề nông nghiệp học trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chủ yếu là tự tạo việc làm

Để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN:

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Tiếp tục sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề.

Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN

Sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, các đơn vị trong ngành nhất là các cấp ủy, thủ trưởng đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đối với việc phát triển nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là: Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Chú trọng phát triển tinh thần khởi nghiệp trong GDNN.

Bốn là: Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội

Từng bước thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo GDNN; Thực hiện chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; trước mắt thực hiện chuyển đổi về cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính, tổ chức nhân sự và thực hiện nhiệm vụ đối với các cơ sở GDNN công lập đào tạo những ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn.

Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội.

Năm là: Đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, đào tạo. Ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp của cơ sở GDNN để tăng cường cơ sở vật chất; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa hệ thống chương trình, tài liệu học tập; Thực hiện gắn kết các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong đào tạo thực hành, thực tế đối với người học.

Tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ trong các cơ sở GDNN đảm bảo hợp lý cơ cấu giữa giáo viên và quản lý, phục vụ. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên về chuyên môn và kỹ năng nghề; Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo bằng nhiều hình thức thích hợp

Thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn nghề quốc gia. Đảm bảo sự tham gia thực chất của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, đơn vị sử dụng lao động trong xây dựng, thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế sản xuất về kỹ thuật, công nghệ; Đổi mới phương thức đào tạo, gắn đào tạo với thực tế, thực hành tại các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập, đặc biệt là các lao động chưa qua đào tạo có cơ hội vừa làm, vừa học; Bổ sung, tích hợp trong chương trình đào tạo các nội dung, chuyên đề về kỹ năng, phẩm chất: giao tiếp, làm việc nhóm, an toàn lao động, khả năng thực hành sử dụng ngoại ngữ, tin học, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,...

Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá; thực hiện khách quan, độc lập trong công tác kiểm định chất lượng đầu ra; xây dựng cơ chế đánh giá, phản hồi của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chất lượng nguồn nhân lực đối với các cơ sở đào tạo. Các cơ sở GDNN không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được việc làm và thu nhập tăng thêm cho người lao động sau học nghề./.

          Nguyễn Việt Dũng - Phòng Dạy nghề

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang