image banner
MỘT TRÁI TIM HỒNG

 Xuân cứ dần trôi, hạ đang về. Sáng nay anh đến cơ quan sớm hơn thường lệ, mở cửa sổ phòng làm việc, hơi gió lạnh cuối xuân còn vương lại mang theo hương Ngọc Lan phút chốc tràn ngập căn phòng. Một miền ký ức những năm tháng của một thời tuổi trẻ sôi nổi cứ nối nhau ùa về, trái tim anh đang đập trong lồng ngực như thời chàng sinh viên y khoa ngày nào. Và người đàn ông đứng trầm tư bên khung cửa sổ hôm ấy là hình ảnh rất đỗi ấm áp, thân quen đối với chúng tôi, anh Đinh Trọng Hồng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sinh ra ở làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, ngôi làng cổ có Đình Kim Liên -  một trong tứ trấn Thăng Long của đất Hà Thành xưa, nổi tiếng một thủa với nghề thả sen, ướp trà, cắt tóc... Có lẽ bởi vậy mà trong mỗi nếp nghĩ, cử chỉ, phong thái của anh luôn toát lên vẻ thanh lịch của người Hà Nội. Năm 1984, tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa nhi của Đại học Y khoa Hà Nội, anh về công tác tại Bệnh viện huyện Yên Lập. Vùng núi phía Tây của tỉnh Phú Thọ với nét đẹp hoang sơ của cảnh vật, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của người Mường, người Dao… bản địa, cùng hương quế nồng nàn trong mái tóc cô gái miền sơn cước đã giữ chân anh ở lại gắn bó với nơi này. Hơn 10 năm khoác trên mình tấm áo blu trắng, chàng sinh viên mới tốt nghiệp ngày ấy đã sát cánh bên đội ngũ các y, bác sỹ của huyện, tận tụy ngày đêm cứu chữa bệnh nhân, xông pha trên tuyến đầu trong trận chiến với dịch bệnh, cùng nhau mang lại sự sống, niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết bao người. Năm 31 tuổi, anh trở thành một trong những Giám đốc bệnh viện huyện trẻ tuổi nhất của tỉnh. Cũng bởi từng ấy năm chạm tới bao hoàn cảnh éo le, nỗi đau tột cùng của những người bệnh vùng đặc biệt khó khăn, những hi sinh thầm lặng của các y, bác sĩ, hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống và bản chất cao quý của ngành y nên sau này  làm việc ở những cương vị mới tham mưu về công tác y tế, lao động và xã hội tại Văn phòng UBND tỉnh hay Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông anh vẫn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tháng ba về, nhìn lên vòm lá xanh bên cửa sổ, bất chợt thấy trắng tinh những chùm hoa Ngọc Lan. Anh tự nhủ, vậy là mình đã có 14 năm gắn bó với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời gian thấm thoắt trôi, công việc cuốn hút, công tác an sinh xã hội ngày càng được củng cố và hoàn thiện, các lĩnh vực công tác dạy nghề, giảm nghèo, người có công với cách mạng, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội … được Chính phủ triển khai đồng bộ với nhiều đề án, kế hoạch lớn và dài hạn. Việc tổ chức thực hiện ở địa phương đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với thực tế để mang lại hiệu quả cao nhất. Anh lại cùng anh em đến những địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh để khảo sát, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội, lập kế hoạch giảm nghèo..; đi kiểm tra từng mái nhà, nơi ăn chốn ở của người có công và thân nhân còn khó khăn để triển khai phương án vận động hỗ trợ sửa chữa; đôn đốc, giám sát để các chế độ chính sách đến đúng, đủ, kịp thời với người có công; đến hiện trường nguy hiểm của những vụ tai nạn cháy nổ, cùng với các lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu, hỗ trợ; trăn trở tìm giải pháp, cách làm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề cho người lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…  Kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi,  những giọt mồ hôi trên vai áo sau những chuyến băng đèo, lội suối, vượt qua những con đường chênh vênh đến với bản làng vùng cao và cả những đêm không ngủ.. là  tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh được đánh giá là giảm nhanh và bền vững; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phủ rộng đến các nhóm đối tượng; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và người sử dụng lao động; tỉ lệ lao động có việc làm ngày càng tăng cao; công tác phòng chống tệ nạn xã hội có chuyển biến mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của người có công được cải thiện rõ rệt … Ghi nhận những nỗ lực ấy, năm 2016, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, niềm vui của anh cũng là niềm vui chung của Ngành và nhiều hơn thế là sự mến yêu, tin tưởng của người dân với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, sự tin cậy, kính trọng của đồng nghiệp vào người Anh am tường sâu sắc về các lĩnh vực ngành quản lý gói trọn một vòng đời từ trẻ em đến người cao tuổi, tâm nguyện trong sáng, cháy hết mình với sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian không ngừng trôi, chiều nay Hội nghị UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covit-19 tan muộn, anh ở lại cơ quan để nghiên cứu thêm tài liệu và chuẩn bị cho hội nghị triển khai chỉ đạo của tỉnh đến các đơn vị trong ngày mai. Hoàn thiện xong văn bản, cũng là lúc thành phố đã lên đèn. Nhìn ra khoảng sân phía trước phòng làm việc, đêm về khiến không gian trở nên tĩnh lặng, hương Ngọc Lan thanh khiết vương trong gió, xen quấn cùng dòng suy nghĩ của anh. Khung cửa này đã gắn bó với anh biết bao kỷ niệm vui buồn, năm qua năm, mùa nối mùa Ngọc Lan vẫn cần mẫn vươn cao, che mát và toả hương bên khung cửa. Ngọc Lan như nói thay cho tấm lòng nhân ái, thơm thảo. Tấm lòng của những người thầy thuốc, người cán bộ công tác xã hội tâm huyết với nghề, những nghề mang đến cho xã hội nhiều tình yêu thương, nhân ái./.

Hiển Ngọc - Thu Thủy - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang