image banner
CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NHÓM ĐỐI TƯỢNG NHIỄM HIV TẠI TRUNG TÂM.

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS và đạt được những kết quả to lớn. Số người nhiễm HIV, số người mắc AIDS và số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Tuy đã kiểm soát được tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng như mục tiêu Chiến lược quốc gia đã đề ra nhưng HIV/AIDS vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tích cực tìm ra những giải pháp và đưa ra cách làm hữu hiệu để giải quyết.

Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ với chức năng, nhiệm vụ  cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có người tâm thần theo quy định của pháp luật; tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và phục hồi chức năng cho người yếu thế trong xã hội. Hiện nay, đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và PHCN cho một số đối tượng nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt thuộc hai nhóm: đối tượng xã hội khuyết tật vận động và đối tượng khuyết tật thần kinh tâm thần.

Trong cộng đồng, người bị nhiễm HIV đều nhận được những ánh mắt thiếu thiện cảm, xa lánh của mọi người và đối tượng dương tính với HIV đang điều trị tại trung tâm không phải là ngoại lệ; họ có hoàn cảnh sống, cơ cấu bệnh lý và nguyên nhân lây nhiễm khác nhau nhưng hậu quả mà HIV mang lại đều là những mệt mỏi về thể xác và tổn thương về tinh thần. Hiểu được điều đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người, mỗi cán bộ trong trung tâm luôn đề cao sự cảm thông, chia sẻ với nỗi lòng của người bệnh, trở thành người bạn, người thân, chỗ dựa tinh thần để người bệnh không còn mặc cảm bản thân, tin tưởng vào cuộc sống.

Do bản chất khác biệt của HIV là lây lan âm thầm và rất nhanh nhưng diễn biến của bệnh không rõ ràng như các bệnh truyền nhiễm khác; mặc dù có rất nhiều nghiên cứu nhưng chưa có thuốc chữa và thuốc phòng hữu hiệu. Nhằm mục đích thực hiện chiến lược làm giảm tác hại của bệnh đối với người bệnh và cộng đồng. Cùng với việc triển khai rộng rãi và hiệu quả các giải pháp chuyên môn; đội ngũ cán bộ y tế đã đề xuất, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, chăm sóc và PHCN khi điều trị đối tượng HIV, mang đến cho họ không gian sống khỏe mạnh cũng như phòng, tránh lây nhiễm cho mọi người.

Không giống như quản lý và điều trị các bệnh truyền nhiễm khác. Đối tượng HIV đang điều trị tại trung tâm là những bệnh nhân khuyết tật vận động và khuyết tật thần kinh tâm thần, các chức năng sống đều suy giảm, mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều cần được trợ giúp thì những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, PHCN và phòng chống lây chéo tăng lên gấp bội, nhưng không vì thế mà làm nản trí những người cán bộ thực sự bản lĩnh, luôn  nắm bắt được tâm lý, giàu lòng trắc ẩn vì người bệnh, nỗ lực khắc phục trở ngại, kiên trì, nhẫn nại khi quản lý và động viên, chăm sóc.

Việc tích cực điều trị cho người nhiễm HIV là điều cần phải triển khai thực hiện. Hàng ngày, cán bộ làm công tác y tế thường xuyên thăm khám và phát hiện kịp thời những bệnh lý cơ thể để đưa ra phác đồ điều trị sớm nhất, hiệu quả nhất, tránh những nhiễm trùng cơ hội, hạn chế tối đa nguy cơ mắc các loại bệnh mà khó hoặc không lành lại được do hệ miễn dịch của họ đã bị suy yếu, giúp họ vượt qua nỗi đau giằng xé về thể xác và tinh thần trên con đường chiến đấu chống lại căn bệnh thể kỷ.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hàng ngày của người bệnh cũng được đảm bảo khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng. Tăng cường bổ sung các vi chất có trong sữa, trái cây vào bữa ăn phụ nhằm nâng cao thể trạng, tăng khả năng chống chọi lại sự tấn công của các loại mầm bệnh.

Người bệnh được bố trí phòng ở tách biệt với các đối tượng khác, mọi sinh hoạt đều tại phòng riêng nên hàng ngày cán bộ trực tiếp trợ giúp, hướng dẫn đối tượng những sinh hoạt cá nhân như thường xuyên vệ sinh răng miệng, tắm giặt, thay quần áo, vệ sinh giường ngủ, phòng ở sạch sẽ, gọn gàng… để luôn có một môi trường sống thoáng mát, một tinh thần thoải mái và đảm bảo được việc phòng chống lây chéo.

Quá trình điều trị, các phòng chuyên môn phối hợp đưa đối tượng đi kiểm tra định kỳ tại các bệnh viện tuyến trên; tiến hành phân công trách nhiệm cán bộ y tế lĩnh và quản lý thuốc chương trình, hằng ngày tổ chức cho uống thuốc đúng giờ, đúng phác đồ điều trị; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng dụng cụ y tế, xử lý chất thải (đờm, máu, ...) bằng hóa chất sát trùng trước khi chuyển đến nơi tiêu hủy đúng với quy định.

 Công việc thầm lặng, nhiều nguy cơ phơi nhiễm HIV. Thế nhưng, nhờ có sự quan tâm từ các cấp, sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo đơn vị và bằng tình yêu nghề, đội ngũ cán bộ của Trung tâm Trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ vẫn ngày, đêm âm thầm, tận tụy với công việc, tiếp thêm động lực cho bệnh nhân vượt qua mặc cảm căn bệnh, vươn lên trong cuộc sống để họ được sống khỏe hơn, lâu hơn./.

anh tin bai

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tặng hoa cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội và cán bộ làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2023)

Nguyễn Thị Thu Hoàn – TT TGXH và PHCN cho người tâm thần

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang