TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp, đóng góp trong công tác đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo thực hiện trọng tâm, trọng điểm dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nỗ lực này đã góp phần hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp người lao động giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Tính đến tháng 12/2020 toàn tỉnh hiện có khoảng 5.700 doanh nghiệp hoạt động/8.780 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, chiếm 65% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 142.434 người. Việc thành lập nhiều doanh nghiệp đã tạo việc làm, từng bước nâng cao mức thu nhập và đời sống cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đã quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm, cá biệt có những doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không xây dựng nội quy lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang, bảng lương, ký kết hợp đồng lao động có nội dung thỏa thuận chung chung, không tham gia BHXH hoặc nợ đọng tiền đóng BHXH… làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trước tình hình đó, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn bằng văn bản để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện; qua các hội nghị, đối thoại trực tiếp; thông qua các buổi hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức biên soạn và phát hành cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền về Bộ Luật lao động, các chính sách mới liên quan đến Bảo hiểm xã hội…với nội dung chủ yếu tập trung vào quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp, các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng, xây dựng thang lương, bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; các bước giải quyết đình công, ngừng việc tập thể. Hằng năm đã tổ chức tuyên truyền cho trên 3.000 lượt người lao động, người sử dụng lao động; đã tổ chức thẩm định, xác nhận, thông báo chấp thuận trên 250 bản Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể; cấp phát trên 100.000 cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền.
Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Bộ Luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động như: Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm cập nhật các các văn bản, kiến thức pháp luật mới ban hành liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu đổi mới, đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với từng cụm, từng nhóm đối tượng; biểu dương, nhân rộng các mô hình hay có hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động, đảm bảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững…./.
Vũ Thị Hải-Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội