Thực trạng giao kết hợp đồng lao động và hợp đồng lao động điện tử.
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 gồm 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, Bộ luật Lao động 2019 có nhiều điểm mới người lao động được thụ hưởng trong đó đặc biệt là điểm thay đổi quan trọng về hợp đồng lao động. Việc bổ sung nhiều điểm mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số.
Hiện nay tại tỉnh Phú Thọ có trên 10.400 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động, thu hút trên 200.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó: có 6.375 lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước; 165.025 lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và 78.600 lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thực trạng tình hình giao kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp vẫn đang áp dụng giao kết hợp đồng lao động đơn thuần chỉ bằng văn bản và hợp động miệng (Thông qua lời nói). Ngoài ra, với những trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định Điều 14 Bộ luật lao động có các hình thức hợp đồng lao động là hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản, hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện. Hiện nay, hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản là hình thức được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến tại 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với hình thức giao kết hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản, có những thuận lợi và vướng mắc thực tế gặp phải như sau:
- Thuận lợi: Đây là hình thức hợp đồng lao động truyền thống, gắn liền với đời sống của người lao động, người lao động được cầm giữ 01 bản có dấu đỏ của người sử dụng lao động sẽ tạo tâm lý yên tâm hơn trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động số lượng ít, khi sử dụng hợp đồng lao động bằng giấy thì công tác lưu trữ hồ sơ của người lao động thường thuận lợi, không gặp khó khăn.
- Khó khăn: Trong công tác lưu trữ đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ của người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp số lượng lao động biến động liên tục; Một số trường hợp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện ký kết HĐLĐ người LĐ phải có mặt trực tiếp (khoảng cách địa lý); Quản lý, tìm kiếm thông tin mất nhiều thời gian…
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 17/9/2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ký Quyết định số 2348/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Với những thuận lợi khi sử dụng hợp đồng lao động điện tử mang lại như:
- Tiện lợi trong việc quản lý, tìm kiếm, tổng hợp.
- Ký hợp đồng trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể ký kết hợp đồng lao động linh hoạt hơn.
- Tiết kiệm thời gian, nguồn lực.
- Dễ dàng lưu trữ.
- Tiện lợi trong việc quản lý, tìm kiếm, tổng hợp.
- Là bước ngoặt song hành cùng sự phát triển của xã hội khi ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số cá nhân ngày càng được áp dụng rộng rãi, thuận tiện.
Với những ưu điểm hợp đồng lao động điện tử cùng với Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, việc giao kết hợp đồng điện tử sẽ được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, khi có nhu cầu sử dụng hợp đồng lao động điện tử thì sẽ được các cơ quan nhà nước và các đơn vị hỗ trợ trong việc triển khai, thực hiện./.
Cao Hương Giang - Phòng LĐ-TL-BHXH