Để triển khai công tác chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5098/KH-UBND ngày 20/12/2023 về tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong chi trả chế độ chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, 13/13 huyện, thành, thị đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời tích cực tuyên truyền, rà soát đối tượng, lựa chọn đơn vị, tổ chức dịch vụ chi trả và thực hiện ngay việc chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng đã có tài khoản ngân hàng.
Đến nay, tổng số đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là: 91.152 đối tượng, trong đó: Số đối tượng có tài khoản: 13.497 đối tượng (chiếm 14,81%); Số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản: 9.631 đối tượng (đạt 71,35 %). Số tiền chi trả qua tài khoản: 15.346.043.758 đồng.
Tỷ lệ đối tượng được chi trả qua tài khoản còn thấp do nhiều nguyên nhân như: Đối tượng thụ hưởng chính sách phần nhiều là thương binh, bệnh binh, người cao tuổi, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người tâm thần… nên gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Nhiều đối tượng không có thiết bị công nghệ hoặc không đủ khả năng sử dụng các thiết bị, các ứng dụng công nghệ thông tin. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa có tỉ lệ các chi nhánh Ngân hàng thấp, ít cây ATM nên không khuyến khích được người dân ở vùng đó lựa chọn việc chi trả không dùng tiền mặt.
Để nâng cao tỷ lệ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương, trong đó tập trung vào các giải pháp sau:
- Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới đối tượng hưởng trợ cấp trên địa bàn thông qua các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và trên các phương tiện thông tin của địa phương.
- Thứ hai, Đề nghị UBND các huyện, thành, thị khẩn trương lựa chọn ngân hàng trên địa bàn để thực hiện cấp số tài khoản cho đối tượng. Đối với các đối tượng người có công với cách mạng có tỉ lệ thương tật cao, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, các đối tượng hạn chế có khả năng đi lại, người cao tuổi: Đề nghị UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn đối tượng ủy quyền cho thân nhân để nhận tiền trợ cấp qua tài khoản.
- Thứ ba, Đối với các ngân hàng được lựa chọn chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng, đề nghị bố trí nhân lực, cơ sở hạ tầng tại các xã (các cây ATM, các điểm giao dịch) để đảm bảo thuận tiện cho đối tượng khi sử dụng dịch vụ; tránh tình trạng người dân không rút được tiền hoặc không có tiền để rút.
- Thứ tư, Đề nghị Ngân hàng nhà nước có phương án chỉ đạo các ngân hàng không thu phí dịch vụ và tiền duy trì thẻ đối với các đối tượng an sinh xã hội./.
Lê Anh Dũng - Văn phòng Sở