09/11/2021
LỘ TRÌNH TUỔI NGHỈ HƯU CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG KỂ TỪ 01/01/2021
Bộ luật lao động năm 2019 đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội. Một trong những điểm mới quan trọng và được quan tâm nhất của Bộ luật lao động năm 2019 chính là việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm.
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Cụ thể được quy định tại Điều 4 và phụ lục I của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại điểm 1 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cụ thể được quy định tại Điều 5 và phụ lục II của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại điểm 1 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cụ thể được quy định tại Điều 6 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.
Việc xem xét nâng tuổi nghỉ hưu chung diễn ra trong bối cảnh nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, bắt đầu bước vào thời kỳ “già hóa dân số”. Theo dự báo, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn dân số già chỉ trong khoảng 15 - 20 năm. Dự báo từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Do vậy, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được tính toán và hoàn thành trước thời điểm Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số. Mặt khác, việc thực hiện theo lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu theo phương án tăng chậm (mỗi năm tăng 03 tháng với lao động nam, 04 tháng với lao động nữ) nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây “sốc” cho thị trường lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc tăng tuổi nghỉ hưu chung cũng nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng trong đóng hưởng bảo hiểm xã hội; giảm dần sự phân biệt và chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.
Vũ Kim Oanh – TP. Lao động - Tiền lương - BHXH