image banner
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 08 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp và 18 trung tâm trong đó có 12 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Từ năm 2016 đến năm 2022, các trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện đã tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 18.867 lao động nông thôn với 27 ngành, nghề: 16 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2022 đã liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho 12.799 học sinh, sinh viên; trong đó: cao đẳng 419 người, trung cấp: 12.380 người. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo GDNN từng bước được chuẩn hóa. Theo báo cáo của các trung tâm, tổng số cán bộ quản lý và nhà giáo GDNN hiện nay là 243 người (cán bộ quản lý 24 người, nhà giáo 219 người), trong đó cán bộ quản lý, nhà giáo có trình độ từ đại học trở lên chiếm 80%. Các điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục nghề nghiệp (đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, ...) từng bước được củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng. Các trung tâm GDNN - GDTX đã quan tâm đến việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường. Đa số các đơn vị tự ban hành, xây dựng hoặc áp dụng chương trình khung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành có chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động các trung tâm GDNN - GDTX còn nhiều hạn chế: Công tác tuyển sinh cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Một số ngành, nghề đã đăng ký hoạt động GDNN nhưng chưa tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo GDNN - GDTX còn thiếu so với vị trí việc làm đặc biệt là 4/4 trung tâm đổi tên, sáp nhập không có trung tâm dạy nghề (trung tâm GDNN - GDTX Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, Thanh Sơn, Phù Ninh), thiếu đội ngũ có trình độ kỹ năng nghề cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo chưa được thực hiện thường xuyên và chưa thực hiện việc cử nhà giáo đi thực tế tại các doanh nghiệp theo quy định. Số lượng cán bộ quản lý nhà nước còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc mời chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Phòng học, xưởng thực hành, nhà bán trú cho học sinh ở một số trung tâm còn thiếu hoặc có phòng thực hành nhưng chưa đảm bảo quy định. Trang thiết bị đào tạo hiện nay đã cũ, hỏng và một số thiết bị đang sử dụng nhưng đã hết khấu hao tài sản, chờ thanh lý.

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong nước, các trung tâm tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, đảm bảo nhà giáo GDNN đạt chuẩn kỹ năng nghề; tập trung đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên cơ sở các giải pháp sau:

Một là: Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy, đào tạo: Rà soát, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa phòng học, xưởng thực hành đảm bảo quy mô đào tạo; bổ sung trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo từng ngành nghề đào tạo. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo để tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nhiệm vụ đào tạo GDNN; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập theo hướng sử dụng thiết bị mô phỏng để thực hành, thực tế ảo,…nhằm tiếp cận phương pháp, công nghệ tiên tiến hiện đại đồng thời giảm chi phí đầu tư thiết bị, tránh lãng phí do hao mòn vô hình và lạc hậu về công nghệ; tập trung việc mở lớp đào tạo tại trường, chỉ được liên kết mở lớp hoặc đặt lớp tại cơ sở ngoài trường khi đảm bảo đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và được cấp phép hoạt động GDNN của cơ quan có thẩm quyền để nâng cao chất lượng.

Hai là: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý: Rà soát, bố trí, sắp xếp đủ đội ngũ cán bộ, nhà giáo trong các cơ sở GDNN đảm bảo hợp lý cơ cấu giữa nhà giáo và quản lý, phục vụ. Đối với những nhà giáo không đáp ứng được yêu cầu: Thực hiện đào tạo lại, bố trí dạy ở trình độ thấp hơn hoặc bố trí làm các công việc phù hợp với năng lực. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về chuyên môn và kỹ năng nghề. Thực hiện ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiếp nhận nhà giáo đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới và nâng cao kỹ năng nghề.

Ba là: Về chương trình, giáo trình:

- Rà soát lại toàn bộ chương trình, giáo trình; Thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, có sự liên thông về tích lũy kiến thức, tín chỉ, các chuyên đề học tập giữa các cấp trình độ để tránh lãnh phí thời gian của người học và phù hợp với đối tượng, năng lực người học; 100% các ngành nghề có đủ giáo trình đào tạo.

- Đảm bảo có sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, đơn vị sử dụng lao động trong xây dựng, thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo; đa dạng hóa các chương trình đào tạo, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế sản xuất về kỹ thuật, công nghệ.

Bốn là: Về ngành nghề đào tạo:

- Thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN và dừng đào tạo đối với một số ngành nghề không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và chương trình giáo trình.

- Thực hiện cấp bổ sung một số ngành nghề mới theo nhu cầu, thế mạnh của địa phương và người học đối với các cơ sở GDNN có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và chương trình giáo trình, theo hướng:

+ Lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực các ngành nghề về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng cây trồng, vật nuôi của tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ, nông nghiệp an toàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm, sản phẩm OCOP, gắn sản phẩm nông nghiệp với du lịch, …

+ Lĩnh vực Công nghiệp: Tập trung đào tạo các ngành nghề ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh đó là: Công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp điện tử, may mặc, giầy da, …

+ Lĩnh vực Dịch vụ: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực, ngành nghề về du lịch, dịch vụ gắn với di tích, di sản văn hóa, lễ hội của tỉnh; y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ...

Năm là: Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động

- Thực hiện có hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.

- Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao. Thường xuyên cập nhật thông tin về cung, cầu lao động.

- Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.

anh tin bai

Các em học sinh được cán bộ tư vấn giới thiệu về nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh

 Vũ Thu Thảo - Phòng Giáo dục nghề nghiệp

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang