image banner
THÁNG BẢY TRI ÂN TRỌN NGHĨA, VẸN TÌNH VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thư, bài viết, bài nói thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân những người đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc và nhắc nhở mọi người biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 27.7.1947 - Ngày Thương binh - Liệt sỹ lần đầu tiên được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Hàng năm vào dịp này, Người đều có thư và quà gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Để có được thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ người Việt Nam đã đổ, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh, hàng triệu người suốt đời mang trên mình thương tật hoặc di chứng tàn ác của chiến tranh. Sự hy sinh vì nước của đồng bào và chiến sĩ là vô giá, là biểu tượng của lòng tự hào và truyền thống vô cùng vẻ vang và oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, hơn 70 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tổ chức thăm, viếng các nghĩa trang liệt sỹ, dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ; tặng quà người có công dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ; chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ; cải thiện nhà ở đối với người có công; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng…  

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh chi trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho gần 23 ngàn người có công và thân nhân người có công; số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là  8.428 hộ với tổng kinh phí 245,56 tỷ đồng. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 99,8% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú, phấn đấu năm 2021 đạt 100% gia đình.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, đồng thời đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 25 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2020, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công.

Cùng với việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, các cấp còn đẩy mạnh công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ. Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, viếng các nghĩa trang liệt sỹ, điểm di tích ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân như: Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Khu Tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn…

Cùng với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia với một trách nhiệm và tình cảm sâu sắc. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: nhà tình nghĩa; vườn cây tình nghĩa; áo lụa tặng bà; áo ấm tặng mẹ; giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực nảy nở từ thôn, bản, làng, xã, cơ quan, đơn vị đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

anh tin bai

 

Huyện Tân Sơn tặng quà cho gia đình có công với cách mạng

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, vẫn còn những thiếu sót, tồn tại cần phải tập trung khắc phục, như: Chính sách, chế độ vẫn còn bộc lộ những bất hợp lý, giải quyết tồn đọng về chính sách còn nhiều khó khăn, trong tổ chức thực  hiện còn có nơi sai sót. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa cũng có nơi phát triển chưa đồng đều, chưa thường xuyên. Đời sống một bộ phận gia đình chính sách chưa ổn định, chưa vững chắc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa,  vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc quan tâm giải quyết những bức xúc của đối tượng chính sách ở một số địa phương cũng chưa kịp thời, còn có những khiếu nại, kiến nghị.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”,  ngày 27-7 hằng năm dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh và tỏ lòng biết ơn vô hạn các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng ta giáo dục cho các lớp con cháu đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết rằng một xã hội không thể phát triển trường tồn và lành mạnh nếu xã hội đó không biết ơn những người đã đổ mồ hôi và xương máu để dựng xây và bảo vệ./.

                                                                                                         Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Người có công

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang