image banner
MỘT SỐ GIẢI PHÁP RÚT RA TỪ THỰC TẾ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA

Hoạt động thanh tra có vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý, phục vụ thiết thực sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm cho các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh.

Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát sự chỉ đạo của  UBND tỉnh, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh,  trong những năm qua Đảng ủy, tập thể Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra sở và các phòng, đơn vị căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, định hướng công tác thanh tra của tỉnh, của ngành, xây dựng và ban hành Quyết định, Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm theo hướng tập trung thanh tra trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành của thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Sở, thanh tra các lĩnh vực thuộc sự quản lý của ngành, đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân, đối tượng như: lao động, việc làm, người có công, bảo trợ xã hội....    

anh tin bai

 

Thanh tra công tác Bảo trợ xã hội huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ

Thực tế kết quả thanh tra, kiểm tra trong những năm qua của Sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực, qua thanh tra đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên, hoạt đông thanh tra, kiểm tra vẫn còn những hạn chế nhất định như: việc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra có lúc còn chưa kịp thời, thường xuyên...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Sở chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt chú trọng một số giải pháp cụ thể rút ra từ thực tế khi tiến hành hoạt động thanh tra như:

1. Về Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra:

Tập trung rà soát tình hình, bám sát nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực ngành quản lý để chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đặc biệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Tổ chức xử lý tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, rà soát tham mưu điều chỉnh kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt phù hợp với tình hình thực tế.

2. Về tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra:

Việc tổ chức thực hiện thanh tra đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ, trong đó đặc biệt tập trung làm tốt một số nội dung như: Tăng cường thu thập thông tin, tài liệu, khảo sát tình hình đối tượng thanh tra để ban hành quyết định thanh tra với nội dung sát với thực tế, đúng trọng tâm; Tiến hành thanh tra theo đúng quy trình, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm được phát hiện khi tiến hành thanh tra theo quy định hiện hành, tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý theo đúng quy định.

3. Việc xử lý tình huống trong hoạt động thanh tra thực tế:

Tình huống trong hoạt động thanh tra thường là những tình tiết, hành vi, sự kiện không dự liệu trước được hoặc vượt quá thẩm quyền của người tiến hành thanh tra, thậm chí người ra quyết định thanh tra xảy ra trong quá trình tiến hành thanh tra, trong chỉ đạo kết thúc thanh tra và xử lý sau thanh tra như: Đối tượng thanh tra chậm trễ trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, bố trí người làm việc không đúng thẩm quyền, báo cáo, giải trình vòng vo... Để có được thái độ hợp tác tích cực, trước hết đòi hỏi người tiến hành thanh tra phải có quan điểm, thái độ đúng mực, kiên nhẫn lắng nghe, phương pháp làm việc khoa học, không vòi vĩnh, không nhũng nhiễu, không vụ lợi.. Ngoài ra các phương pháp tâm lý, tư tưởng, thuyết phục, dân chủ, lắng nghe, tôn trọng quyền giải trình của đối tượng thanh tra cũng giúp cải thiện rất nhiều thái độ ứng xử giữa các bên trong hoạt động thanh tra.

Từ thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy, để đưa ra những nhận xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra phải căn cứ quy định của pháp luật đồng thời đối chiếu, so sánh, cân nhắc, xem xét tính không vụ lợi của hành vi để nhận xét, đánh giá. Việc xử lý, kiến nghị xử lý sai phạm được phát hiện không thuần túy chỉ dựa vào pháp luật mà còn phải tính tới các yếu tố khác như chính trị, xã hội, lợi ích của cộng đồng, điều kiện thực tế để kiến nghị các biện pháp xử lý đúng theo quy định nhưng vẫn đảm bảo hợp lý, hợp tình.

4. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cán bộ công chức Thanh tra:

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và giàu bản lĩnh; đồng thời phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn. Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Bác, trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hiệu quả, thượng tôn pháp luật và dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh cũng như công tác phối hợp của các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở. Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao góp phần vào thành quả chung của toàn ngành trong năm 2021 và những năm tiếp theo./.

                                                                                       Lê Ngọc Chúc - Phó Chánh Thanh tra Sở

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang