Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp, các ngành trong cả nước quan tâm. Nhiều văn bản về lĩnh vực này được ban hành: Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Luật Trẻ em năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/6/2017), trong đó quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. ..
Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em. Sau khi Luật trẻ em đi vào cuộc sống, Tổng đài quốc gia đã xây dựng đường dây nóng về bảo vệ trẻ em. Tỉnh Phú Thọ cũng đã thiết lập đường dây hỗ trợ bảo vệ trẻ em tỉnh (số 1800555503) để truyền thông, kịp thời thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trẻ em, thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước.
Đối với tỉnh Phú Thọ: Toàn tỉnh hiện có 4.804 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 1,2%), trong đó 3.973 trẻ em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 82,7%). Đến nay, các quyền cơ bản của trẻ em đã được thực hiện rất nghiêm túc như: quyền khai sinh, quyền được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, quyền được tham gia học tập, quyền được phát triển. Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tàn tật được quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, đối với chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã được các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, tính đến tháng 6/2020, Phú Thọ đã có 41.750 “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em, góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ sở và các hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, việc triển khai Luật Trẻ em cũng như việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Về phía các văn bản quy phạm pháp luật mà cụ thể là Luật Trẻ em: Một số khái niệm chưa được Luật định nghĩa cụ thể. Ví dụ: Mua bán trẻ em, Luật chưa phân biệt rõ khái niệm “bỏ mặc” và “bỏ rơi” trẻ em.
Mặt khác, Luật Trẻ em còn khá nhiều quy định mang tính đạo lý, thiếu chú ý tới thực tiễn thi hành. Chẳng hạn, quy định “Nguồn tài chính thực hiện quyền trẻ em bao gồm ngân sách nhà nước; ủng hộ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ; viện trợ quốc tế và các nguồn thu hợp pháp khác” (Điều 7, khoản 2). Nhưng lại không quy định khi có các nguồn thu như vậy thì ai là người nắm giữ; quản trị và chi tiêu như thế nào; và nếu thu chi vi phạm các quy tắc liên quan thì chế tài gì sẽ được áp dụng và làm thế nào để áp dụng chế tài đó. Các quy định về tài chính thì quy định thiếu, trong khi lại quy định rất chi tiết về cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
2. Về phía cơ quan có thẩm quyền cấp cơ sở: hầu hết cán bộ làm công tác về trẻ em cấp xã là kiêm nhiệm, do vậy việc quản lý, nắm thông tin, tình hình của trẻ em chưa được bao quát, kịp thời, nhất là trong việc can thiệp, trợ giúp các em bị bạo lực, bị xâm hại. Khi có sự việc xảy ra, các cấp, các ngành còn lúng túng trong xử lý, giải quyết. Kinh phí dành cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Việc trợ giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt dựa chủ yếu vào nguồn vận động và mới chỉ tập trung vào giúp đỡ vật chất. Dịch vụ trợ giúp trẻ em chưa đồng bộ; thiếu các điều kiện ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bị lạm dụng, bị bỏ rơi….
3. Về phía nhân dân: Nhiều cha mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm bảo vệ con em, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nhiều gia đình sao nhãng việc bảo vệ trẻ em, không kịp thời hoặc không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Sự xuống cấp đạo đức, tha hóa, biến chất về lối sống của một bộ phận xã hội làm gia tăng tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quan tâm và thực hiện ngày một tốt hơn, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giám sát, phản biện xã hội nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, hành vi, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em và thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em. Đặc biệt là phổ biến đến người dân về đường dây nóng tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em. Tăng cường sự phối hợp và thực hiện đồng bộ của các cấp trong thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và vận hành hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với thực tiễn và các chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Ba là, hoàn thiện các thiết chế về thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em. Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Bốn là, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp, có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cần sự bảo vệ của mọi trẻ em. Tăng cường đầu tư ngân sách dành cho công tác trẻ em.
Trước những vụ việc ngược đãi, xâm hại trẻ em hiện nay, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Thanh tra các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong cả nước xây dựng định hướng thanh tra năm 2021, trong đó thanh tra việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo Quyết định 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 là một trong bốn nội dung thanh tra trọng tâm của năm 2021. Hy vọng với kết quả của đợt thanh tra này, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả nước nói chung sẽ có nhiều cải thiện theo hướng tích cực./.
Dương Thị Lê Hà - Chánh Thanh tra Sở