image banner
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THANH TRA NĂM 2022

Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, gồm 08 Chương và 118 Điều (tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010). So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật mới có một số điểm mới như sau:

1. Chỉ còn 02 hình thức thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 bỏ hình thức thanh tra thường xuyên từng được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý. Việc bỏ hình thức thanh tra này cũng nhằm phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo hướng: kiểm tra là hoạt động thường xuyên, còn thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Như vậy, Luật Thanh tra năm 2022 chỉ còn 02 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạchthanh tra đột xuất.

2. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

Theo Điều 18 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra Sở

Theo khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Như vậy, UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập Thanh tra Sở nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định.

4. Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Tại khoản 1 Điều 116 Luật Thanh tra 2022 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra, cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14 và Luật số 67/2020/QH14 như sau:

a. Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục khác thuộc Bộ và tương đương;” vào sau cụm từ “Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;” tại đoạn mở đầu khoản 2;

b. Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh,” vào trước cụm từ “Cục trưởng Cục Thống kê,” tại đoạn mở đầu khoản 3.

Như vậy, Chánh Thanh tra tỉnh được bổ sung là một trong những chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020.

5. Thay đổi về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra

Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đều có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Nhằm nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với thủ trưởng cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Cụ thể, Khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.

6. Trưởng đoàn thanh tra

Điều 60 Luật Thanh tra năm 2022 và Điều 28 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn cao hơn đối với Trưởng đoàn thanh tra. Theo đó, bên cạnh các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Trưởng đoàn thanh tra và Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên. Cụ thể: (i) Trưởng đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ và Chánh thanh tra tỉnh thành lập phải từ Thanh tra viên chính trở lên; (ii) Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Sở và Chánh thanh tra huyện thành lập phải từ Thanh tra viên trở lên.

Như vậy, khác với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên tại các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không được làm Trưởng đoàn thanh tra; công chức là trưởng phòng, phó phòng hoặc đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn tại cơ quan thanh tra nhưng chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính cũng không được làm Trưởng đoàn thanh tra.

7. Xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra

Nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình, thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79).

Đồng thời, để xử lý tồn tại là các cơ quan thanh tra thường xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành kết luận thanh tra mặc dù đây không phải thủ tục bắt buộc theo quy định pháp luật, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ ràng về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra (Khoản 1 Điều 78): “Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra”.

Luật Thanh tra 2022 còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Đối với cuộc thanh tra có nhiều nội dung, nội dung nào đã được kiểm tra, xác minh và đủ cơ sở thì kết luận ngay và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra (Khoản 3 Điều 78).

Về công khai kết luận thanh tra, Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về hình thức công khai kết luận thanh tra (Điều 49) khác với Luật Thanh tra năm 2010. Theo đó, kết luận thanh tra phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời, người ra kết luận thanh tra lựa chọn thêm ít nhất một trong ba hình thức khác (công bố tại cuộc họp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của đối tượng thanh tra).

8. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2022

Tại Luật Thanh tra năm 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Theo đó, thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân. Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Đến Luật Thanh tra năm 2022, các quy định của thanh tra nhân dân đã không còn trong luật và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022 và cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023./.

Phạm Quang Hoàng Việt, Thanh tra viên, Thanh tra Sở

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang