image banner
KẾ HOẠCH: Chuyển đổi số năm 2023
Ngày 28/9/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 56/KH-SLĐTBXH về chuyển đổi số năm 2023, chi tiết như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2022

 

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHUYỂN ĐỔI SỐ

 1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Năm 2022, Sở đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-SLĐTBXH ngày 07/7/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 302/QĐ-BCĐCĐS ngày 11/7/2022 về Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch số 44/KH-SLĐTBXH ngày 28/9/2021 về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022.

 2. Phát triển hạ tầng số

Hiện nay, 100% cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Sở đều được trang bị 01 máy tính cá nhân để phục vụ công tác; Một số phòng chuyên môn được trang bị máy tính xách tay. Ngoài ra, để phục vụ công tác, Sở còn trang bị các trang thiết bị khác như hơn 30 máy in các loại, 02 máy photocopy, Switch 24 port và 4, 8 port, router wifi, 03 máy quét, 03 máy chiếu, 01 thiết bị tường lửa Cisco, ... Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 04 lớp.

Hiện Sở có 01 thuê bao Internet (cáp quang) và 100% máy tính kết nối mạng internet. Hệ thống mạng nội bộ (LAN) được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2017 và luôn duy trì hoạt động thường xuyên và thông suốt. Các đơn vị trực thuộc đều có kết nối internet tốc độ cao. Máy tính trang bị cơ bản phục vụ cho công tác chuyên môn.

Hệ thống thư điện tử công vụ: Cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan Văn phòng Sở đã được cấp các tài khoản, tuy nhiên chưa được sử dụng thường xuyên trong trao đổi công việc.

 3. Phát triển Chính quyền số

a) Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Sở đã cung cấp 186 TTHC lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội trên Hệ thống phần mềm một cửa và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến 77 TTHC thực hiện mức độ 4, 84 TTHC thực hiện mức độ 3, 25 TTHC thực hiện mức độ 2. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 là 54,13%. Tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến 4/4 TTHC (đạt 100%). Việc số hóa hồ sơ mới dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang các tệp điện tử, chưa thực hiện số hóa, xác thực điện tử.

100% các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Sở được cập nhật, niêm yết công khai tại Sở, Bộ phận Một cửa của Sở tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công; được công bố công khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC.

b) Ứng dụng dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành

Tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT Ioffice 4.0: 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành sử dụng trong giải quyết công việc. Đã ứng dụng chữ ký số điện tử, sim ký số cá nhân khi phát hành văn bản đi (trừ văn bản mật, hồ sơ dự án).

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: Sở đã trang bị Thiết bị Hội nghị truyền hình POLY G200 đáp ứng tốt tất cả các cuộc họp trực tuyến được tổ chức.

Hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh và của Văn phòng chính phủ: Sở luôn thực hiện đầy đủ và trước hạn các báo cáo trên các hệ thống được giao.

Các phần mềm ứng dụng chuyên ngành: Tại một số phòng chuyên môn của Sở đang sử dụng một số phầm mềm ứng dụng chuyên ngành như: Phần mềm Hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến tỉnh; Phần mềm quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; Phần mềm Kế toán hành chính sự nghiệp MISA; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; Phần mềm Tổ chức cán bộ của Sở Nội vụ,… Các phần mềm đã đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ quản lý của từng lĩnh vực chuyên ngành.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu

Đã tiến hành số hóa toàn bộ hồ sơ Người có công tại Kho hồ sơ Người có công của Sở. Hiện nay, Sở đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu các lĩnh vực: Trẻ em, Bảo trợ xã hội, Giảm nghèo (Đang trong giai đoạn nhập liệu trên phần mềm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

d) Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng

Đã trang bị thiết bị tường lửa Cisco để bảo vệ mạng LAN của cơ quan Văn phòng Sở. Hiện nay một số máy tính quan trọng được trang bị phần mềm diệt virut bản quyền như máy tính chứa phần mềm kế toán, phần mềm quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công, ... các máy tính còn lại được trang bị phần mềm diệt virut miễn phí (chủ yếu của microsoft), … Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai lắp đặt thiết bị đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 04 lớp.

e) Nguồn nhân lực

Trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đã đáp ứng yêu cầu công việc, 100% cán bộ, công chức đã sử dụng được thành thạo Internet và các phần mềm phục vụ công tác.

Sở đã bố trí 01 cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc.

 4. Phát triển kinh tế số, xã hội số

Trang thông tin điện tử của Sở (Website): từ đầu năm đến nay đã có trên 60 tin bài được đăng, các tin bài đã đa dạng về nội dung, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ trong đó có  nội dung về triển khai chuyển đổi số cho các tổ chức và cá nhân khi xem Trang thông tin điện tử của Sở.

II. KINH PHÍ THỰC HIỆN NĂM 2022

Dự kiến cả năm 2022 chi cho công tác công nghệ thông tin 280.000.000 đồng từ nguồn ngân sách nhà nước được giao.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chú trọng việc áp dụng ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, nâng cao hiệu quả công việc và xây dựng phương pháp làm việc và phương pháp quản lý khoa học cho cán bộ, công chức, viên chức.

Hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư, 100% cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy tính làm việc, các phòng, đơn vị trực thuộc đều có mạng nội bộ LAN và kết nối Internet.

Các ứng dụng CNTT dùng chung từng bước được triển khai: Trang thông tin điện tử, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, sử dụng hộp thư điện tử…nhiều phần mềm chuyên ngành được các phòng, các đơn vị đưa và sử dụng đã nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao.

Hệ thống máy tính chưa đồng bộ do được đầu tư dàn trải qua nhiều năm, có những máy tính được trang bị từ những năm 2013-2014 vẫn đang sử dụng.

 

Phần II

NỘI DUNG KẾ HOẠCH

 

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Luật giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước;

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

Quyết định số 942/QĐ-TTG ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Nghị Quyết số 55-NQ/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, hướng đến 2030;

Quyết định số 2348/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Kế hoạch số 3442/KH-UBND ngày 06/9/2022 về Nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2025.

II. MỤC TIÊU

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT. Hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, mua sắm thay thế máy tính đã cũ và các trang thiết bị tin học đáp ứng yêu cầu hoạt động cơ quan nhà nước.

Đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử qua mạng. Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận được ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật theo quy định).

Ứng dụng thư cộng vụ trong trao đổi công việc.

Cung cấp TTHC mới đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4 trên phần mềm hệ thống một cửa tích hợp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Thọ. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4: đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 60% hồ sơ TTHC được tiếp nhận giải quyết trực tuyến; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin của Sở.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Tổ chức, cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở tham gia các hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, tập huấn giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số.

Nghiên cứu đổi mới, ban hành các quy trình nghiệp vụ được số hóa và vận hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của Sở.

2. Phát triển hạ tầng số

Hoàn thiện Hệ thống mạng nội bộ, trang thiết bị CNTT thành mạng LAN hoàn chỉnh và an toàn an ninh thông tin. Đảm bảo kết nối liên thông trong cơ quan, đơn vị và kết nối với hệ thống mạng diện rộng của tỉnh.

Trang bị một số máy tính mới thay thế các máy tính cũ.

3. Phát triển Chính quyền số

a) Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Khai thác và sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến của Sở.

Thực hiện rà soát, cắt giảm, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình giải quyết đối với các TTHC mức 3, 4 giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong giao dịch theo hình thức trực tuyến.

Triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với các TTHC phát sinh phí, lệ phí. Hỗ trợ, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các TTHC.

Khai thác và sử dụng hiệu quả phần mềm giải quyết khiếu nại tố cáo trong việc tiếp nhận và giải quyết trả lời đơn thư, khiếu nại tố cáo.

b) Ứng dụng các hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành

Đẩy mạnh khai thác và sử dụng các ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của Sở:

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành: Tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý, phân công, giao việc trên môi trường mạng. Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước được ký số, thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ các văn bản mật theo quy định).

- Đẩy mạnh khai thác và sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến, thường xuyên tổ chức các họp giữa các đơn vị trong ngành.

- Hệ thống thư điện tử công vụ: Tăng cường sử dụng thư công vụ, thay thế sử dụng thư miễn phí trong trao đổi công vụ.

- Tiếp tục triển khai và sử dụng tốt các ứng dụng chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu các lĩnh vực: Trẻ em, Bảo trợ xã hội, Giảm nghèo.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực: Giáo dục nghề nghiệp, Phòng chống tệ nạn xã hội, Việc làm - An toàn lao động, Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, …

d) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

Triển khai các nội dung nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động của Sở như: rà soát, ban hành và thực hiện các quy chế, quy định về đảm bảo an toàn thông tin mạng; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị CNTT, thuê dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống mã độc; Thường xuyên kiểm tra đánh gia công tác đảm bảo an toàn thông tin; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về công tác đảm bảo an toàn thông tin, cử cán bộ chuyên trách CNTT tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về an toàn thông  tin, phối hợp, xử lý, khắc phục sự cố an toàn thông tin mạng...

e) Nguồn nhân lực

Tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Trung ương, UBND tỉnh tổ chức; Tổ chức phổ biến, đào tạo, tập huấn tuyên truyền kiến thức, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.

3. Phát triển kinh tế số, xã hội số

Triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông qua Trang thông tin điện tử Sở, mạng xã hội về triển khai chuyển đổi số.

Phát triển thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

 IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN NĂM 2023

Dự kiến năm 2023 chi cho công tác công nghệ thông tin 370.000.000 đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Sở chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn triển khai thực hiện các ứng dụng nội bộ trong cơ quan.

2. Các phòng chuyên môn đưa vào các chương trình tuyên truyền của phòng, tuyên truyền các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp (các TTHC, Trang thông tin điện tử của Sở).

3. Phòng Kế hoạch - Tài chính: Tham mưu bố trí kinh phí thực hiện, thẩm định dự toán và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các phòng chuyên môn phản ánh kịp thời qua Văn phòng Sở để báo cáo Lãnh đạo Sở xem xét, giải quyết./.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang