image banner
TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ HẠN CHẾ TAI NẠN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày 18 tháng 11 năm 2021

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch covid-19 nhưng việc tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh còn diễn biến rất phức tạp cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực của Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Phú Thọ), số các vụ tai nạn lao động (chết người hoặc làm bị thương nặng từ 2 người trở lên) xảy ra trên toàn tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm tháng 9 có 11 vụ tai nạn lao động xảy ra, làm 11 người chết và 04 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, tổng số vụ tai nạn lao động tăng 02 vụ, tổng số nạn nhân tăng 03 người; số người chết giảm 01 người so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó: số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người lao động: 02 vụ, giảm 01 vụ và 01 người chết so với cùng kỳ năm 2020; số vụ tai nạn do điện, ngã cao, va đập, kẹp, đổ sập, vật rơi: 09 vụ).

Trên cơ sở số liệu thống kê và điều tra các vụ tai nạn lao động của Đoàn Điều tra tai nạn lao động tỉnh Phú Thọ cho thấy một số nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn lao động: do lỗi kỹ thuật; do vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn; do những thiếu sót về mặt tổ chức; do công tác vệ sinh môi trường; do lỗi chủ quan, bất cẩn của chính bản thân người lao động; do lỗi khách quan mạng lại…

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, cần quan tâm triển khai thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Đối với cơ quan quản lí về lao động cấp tỉnh:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng (thang máy, thiết bị nâng, các công trình xây dựng, khu vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo…), chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thực hiện báo cáo theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đối với người sử dụng lao động:

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn người lao động thực hiện nội quy làm việc đảm bảo an toàn lao động; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc;

Rà soát, củng cố, bổ sung hoàn thiện quy trình làm việc an toàn cho các vị trí công việc, máy và thiết bị, tăng cường hệ thống biển báo, rào chắn tại những nơi có nguy cơ mất an toàn;

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động của người lao động khi làm việc, phát hiện thiếu xót để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ vận hành, sửa chữa bảo dưỡng máy, thiết bị cho Cán bộ, Người lao động trong doanh nghiệp;

Tăng cường duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, máy, thay thế thiết bị, máy cũ, lạc hậu, đầu tư công nghệ kỹ thuật hiện đại tiên tiến, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động;

Thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người bị nạn và thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.

Đối với người lao động:

Chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

Sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, đảm bảo an toàn, sức khoẻ và tính mạng; thường xuyên rèn luyện để nâng cao sức khoẻ của bản thân đáp ứng được với vị trí  và yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, sự quan tâm và tuân thủ các quy định của Pháp luật An toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh và của chính người lao động sẽ làm giảm nguy cơ để xảy ra tai nạn lao động; nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, ổn định thu nhập cho người lao động góp phần duy trì, phát triển kinh tế, chiến thắng đại dịch covid-19 trên địa bàn tỉnh./.

Cao Mạnh Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở

Tin khác
1 2 3 4 5 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang