image banner
Thực trạng giao kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương với 220 điều luật, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Nội dung Bộ luật Lao động năm 2019 đã tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa các quy định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong trong lĩnh vực lao động và xã hội, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với một số luật mới ban hành, đồng thời, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

So với Bộ luật Lao động 2012, nội dung hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động 2019 cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng có bổ sung trường hợp: Các bên giao kết hợp đồng với các tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động thì vẫn được xem là hợp đồng lao động và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Những điểm mới về tên gọi của hợp đồng, về loại hợp đồng, về hình thức hợp đồng, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng,… Đây có thể xem là những điểm mới mang tính dấu ấn, đột phá của Bộ luật Lao động 2019; đồng thời khắc phục những bất cập trước đây trong quan hệ lao động nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của các bên. Do đó, các nội dung này cần được tuyên truyền để các bên trong quan hệ lao động được bảo vệ và tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Quy định mới này vừa có tác dụng định hướng hành vi đối với các bên chủ thể quan hệ lao động vừa tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động làm thuê, quy định này nhằm để tránh các trường hợp người sử dụng lao động lách luật như: Thử việc, giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động…, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động và đảm bảo cho công tác quản lý của Nhà nước. Quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 cũng sẽ giúp loại trừ những trường hợp sử dụng quan hệ dân sự, thương mại những giao dịch ký kết với bản chất hợp đồng lao động. Việc bổ sung quy định này vào Bộ luật Lao động 2019 giúp mở rộng phạm vi áp dụng cũng như đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người lao động, bên được xem là yếu thế trong mối quan hệ lao động.

Tuy nhiên, việc giao kết sai loại hợp đồng còn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Việc giao kết hợp đồng lao động còn sơ sài, thiếu nhiều nội dung như: công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc,...; tình trạng giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trái quy định; ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp; ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tình trạng người sử dụng lao động cố tình lợi dụng để giao kết hợp đồng với người lao động nhưng lại né tránh các quy định ràng buộc thông qua việc giao kết đồng lao động nhưng với các tên gọi khác, chẳng hạn như “hợp đồng khoán việc”, “Hợp đồng dịch vụ”; “Hợp đồng cộng tác viên”, “Hợp đồng tư vấn”; “Hợp đồng đại lý”; “Hợp đồng thầu nhân công”; “Hợp đồng cung ứng nhân công thay cho hợp đồng thuê lại lao động”… để trốn tránh các nghĩa vụ về BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện các nghĩa vụ khác đối với người lao động nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đáng chú ý, có tình trạng người lao động lừa dối doanh nghiệp bằng việc cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả mạo. Tuy nhiên pháp luật lao động lại chưa có quy định về việc xử lý đối với các trường hợp này hoặc tình trạng người sử dụng lao động thực hiện thử việc kéo dài, tiền lương thử việc không đảm bảo quy định pháp luật còn diễn ra nhiều.

Bộ Luật lao động năm 2019 thay thế Bộ Luật lao động năm 2012 đã có điểm ưu nhất đó là: các quy định tại các điều khoản khá rõ ràng, chi tiết, thuận lợi cho việc áp dụng thực hiện, hạn chế được việc cần phải có văn bản dưới luật hướng dẫn. Nhìn chung các doanh nghiệp đã chú trọng hơn việc giao kết hợp đồng lao động, tuy nhiên vì sức ép của kinh doanh, thời gian giành cho tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật lao động nói chung, các quy định việc giao kết  hợp đồng lao động nói riêng chưa được nhiều và sâu, vì vậy không trách khỏi những thiếu xót, sai phạm. Song điểm ghi nhận là, khi bị kiểm tra phát hiện ra những sai phạm, tồn tại, được nhắc nhở các doanh nghiệp đều nhận lỗi và nhanh chóng khắc phục tồn tại, đồng thời tích cực học hỏi để hiểu rõ hơn các quy định việc giao kết  hợp đồng lao động.

Đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng lao động đúng và đầy đủ các nội dung theo quy định, sẽ hạn chế tối đa những tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động, để cho hoạt động sản xuất kinh doanh luôn ổn định thức đẩy cho sự phát triển được bền vững./.

Phạm Thị Phương Nhung - P. LĐ-TL-BHXH

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang