image banner
06 trường hợp tranh chấp lao động được kiện thẳng lên Tòa án

Tranh chấp lao động là một phần của lao động và xuất hiện giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi các bên không thực hiện đúng quy định hợp đồng hoặc vì yếu tố nào đó khác.

Trong hầu hết các trường hợp giải quyết tranh chấp lao động phải thông qua hòa giải, điều này được Tòa án và pháp luật khuyến khích, tuy nhiên nếu tranh chấp thuộc các trường sau đây thì không cần phải thông qua thủ tục hòa giải mà được phép kiện ra Tòa.

1. Tranh chấp lao động là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 có giải thích tranh chấp lao động tại cơ sở lao động như sau:

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Tranh chấp lao động hiện nay được chia thành 02 loại:

- Tranh chấp lao động cá nhân.

- Tranh chấp lao động tập thể.

Nhưng nhìn chung cả hai tranh chấp trên đều có đối tượng là NLĐ, tuy nhiên trong bài phân tích này chỉ tập trung vào thủ tục giải quyết tranh chấp lao động giữa cá nhân NLĐ với bên doanh nghiệp. 

2. Khi nào tranh chấp lao động không phải hòa giải?

Tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

Một là, về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Hai là, về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Ba là, giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

Bốn là, vBảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Năm là, về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sáu là, giữa NLĐ thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Khi cá nhân NLĐ thuộc một trong sáu trường hợp nêu trên thì NLĐ không cần phải thông qua thủ tục hòa giải với hòa giải viên mà được phép gửi đơn kiện lên Tòa án để giải quyết./.

Vũ Kim Oanh - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
Đăng nhập
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: SỞ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: 0210.3.846.594; Email: soldtbxh@phutho.gov.vn

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử số 02/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/4/2016

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Chung nhan Tin Nhiem Mang